KHÔNG COVID CÓ KHẢ THI?

Đợt bùng phát dịch Covid 19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Các biện pháp chống dịch đã từng giúp chúng ta thành công trong 3 đợt dịch trước tỏ ra ít hiệu quả trong đợt dịch này. Liệu chúng ta có nên tiếp tục theo đuổi chiến lược không Covid?

Có 2 cách tiếp cận về chiến lược chống dịch Covid 19 hiện nay là sống chung với Covid và không Covid. Chiến lược sống chung với Covid xem Covid là một bệnh đặc hữu giống như cúm mùa. Người nhiễm Covid nếu không có triệu chứng nặng có thể điều trị tại nhà. Các trường hợp tiếp xúc với người bệnh không cần phải truy vết và cách ly. Cơ quan y tế không cần theo dõi số ca nhiễm, chỉ tập trung theo dõi và điều trị các ca bệnh nặng nhập viện, hạn chế tối đa số ca tử vong. Chỉ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội giới hạn ở các địa phương có dịch bùng phát mạnh. Chiến lược này hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế nhưng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế nếu số người nhập viện tăng cao, nhất là các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Mỹ và một số nước Châu Âu thực hiện chiến lược này.

Trái ngược với chiến lược sống chung với Covid, chiến lược không Covid với mục tiêu là loại bỏ triệt để virus gây bệnh. Chiến lược này được thực hiện với các biện pháp đóng cửa biên giới không cho người nước ngoài nhập cảnh, phong tỏa khu vực khi có ca nhiễm bệnh, cách ly nghiêm ngặt các trường hợp có nguy cơ, xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc nhằm bóc tách ca nhiễm ra khỏi cộng đồng. Chiến lược không Covid nếu áp dụng sớm ngay khi dịch xuất hiện ở chu kỳ đầu sẽ hạn chế ca nhiễm và tử vong, giảm sức ép và tránh cho hệ thống y tế sụp đổ. Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực cho công tác xét nghiệm, truy vết, cách ly và an sinh xã hội; đặc biệt việc phong tỏa kéo dài sẽ gây tổn thất nghiêm trọng về mặt kinh tế. Hơn nữa, sự xuất hiện biến chủng Delta với khả năng lây lan nhanh đặt ra rất nhiều thách thức cho việc thực hiện chiến lược này.

Trung Quốc được xem là quốc gia thành công khi áp dụng chiến lược không Covid. Đối phó đợt bùng phát dịch ngày 20/7 vừa qua với 1.200 ca nhiễm lan rộng tới hơn một nửa trong số 31 tỉnh thành, nước này đã áp dụng mô hình 4 sớm gồm phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm và điều trị sớm. Ngày 23/8, Trung Quốc tuyên bố không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thành công của Trung Quốc nhờ vào việc kiên trì chiến lược không Covid kết hợp với nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng. Trung Quốc đã tiêm hơn 1,94 tỷ liều vaccine Covid-19 nội địa.

New Zealand cũng là một điển hình thành công khi áp dụng chiến lược không Covid. Nước này chỉ ghi nhận 3.159 ca mắc, 26 bệnh nhân tử vong trong tổng số 5 triệu dân. Trong đợt dịch gần đây vào giữa tháng 8, nước này đã tiến hành phong tỏa toàn quốc trong 3 ngày, một số vùng phong tỏa 7 ngày. Tuy nhiên, vào ngày kết thúc lệnh phong tỏa 24/8, số ca mắc mới tại nước này cao kỷ lục kể từ tháng 4/2020 lên đến 63 ca. Các biện pháp phong tỏa, truy vết không mang lại hiệu quả như mong đợi sẽ là thách thức đối với chiến lược không Covid của nước này.

Ngoài Trung Quốc và New Zealand, Australia và Singapore cũng áp dụng chiến lược không Covid. Khi biến chủng Delta xuất hiện ở Ấn Độ, Australia đã cấm các chuyển bay đến từ Ấn Độ, và đã 6 lần áp lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố lớn, 60% dân số phải ở nhà nghỉ giãn cách, song số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng với số ca nhiễm mới cao kỷ lục 891 ca ghi nhận vào ngày 21/8. Chính phủ Australia đang xem xét lại chiến lược không Covid khi muốn chuyển trọng tâm từ việc giảm số ca nhiễm sang xác định xem có bao nhiêu người bệnh chuyển nặng và phải nhập viện vì Covid-19.

Singapore được đánh giá là nước có hiệu quả chống dịch cao nhất thế giới. Nước này có hơn 66.900 ca nhiễm Covid, nhưng chỉ có 52 ca tử vong. Hiệu quả chống dịch của Singapore cũng đến từ chiến lược không Covid và tiếp cận vắc xin sớm. Ngay từ tháng 4/2020, Singapore đã chi hơn 1 tỷ USD để có quyền tiếp cận và sở hữu vắc xin. Nhờ đó nước này đã đủ nguồn vắc xin để tiêm cho hơn 70% dân số. Từ giữa tháng 7, quốc gia này cũng đối mặt với đợt bùng phát mới với số ca nhiễm ngày 28/8 là 243 ca. Chính phủ Singapore cũng đã lên kế hoạch sống chung với Covid.

Như vậy, ngoài Trung Quốc thông báo là không còn ca F0 trong đợt dịch gần đây, tất cả các quốc gia thực hiện chiến lược không Covid đều không thể loại bỏ hoàn toàn ca F0 ra khỏi cộng đồng. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải xem lại chiến lược không Covid.

Việt Nam đã đạt được thành công trong 3 đợt dịch đầu tiên khi thực hiện chiến lược không Covid. Trước khi bùng phát đợt dịch thứ 4, Việt Nam chỉ có 1.584 ca mắc và 35 ca tử vong. Biến chủng Delta đã làm cho đợt dịch lần này trở nên phức tạp với 431.072 ca nhiễm và 10.714 ca tử vong. Tính chung 4 đợt dịch có 435.265 ca mắc và 10.749 ca tử vong (tính đến 29/8). Kiên trì với chiến lược không Covid, Việt Nam đã thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, tập trung xét nghiệm truy vết. Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu loại khỏi F0 ra khỏi cộng đồng. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa đã gây thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế (dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã giảm từ 6,5% xuống 4,8%). Ngoài ra, ngân sách nhà nước phải tiêu tốn quá lớn cho an sinh xã hội và phục vụ công tác dập dịch.

Thực tế tình hình dịch ở Việt Nam đặt ra yêu cầu phải có kế hoạch sống chung với Covid. Theo tôi, chúng ta cần tập trung 2 vấn đề để thực hiện kế hoạch này là vắc xin và năng lực điều trị Covid.

Về vắc xin. Một số ý kiến cho rằng để mở cửa nền kinh tế thì phải đạt được miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ tiêm vắc xin phải đạt từ 80% đến 90%. Đối với nước ta để đạt được tỷ lệ này phải mất thời gian khá dài. Vì vậy, thay vì tập trung vắc xin cho các điểm nóng như hiện nay, chúng ta nên tiêm cho các đối tượng dễ bị tử vong khi mắc Covid như người già, người có bệnh nền… Sau khi đã tiêm xong các đối tượng này chúng ta có thể mở cửa dần nền kinh tế mà không cần phải đợi đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.

 Về năng lực điều trị Covid. Chúng ta cần chuyển nguồn lực cho phong tỏa, truy vết, xét nghiệm diện rộng sang đầu tư cho hệ thống điều trị Covid kể cả mô hình tập trung và lưu động để giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Khi một chiến lược được xác định là không thể thực hiện được, chúng ta nên xem xét một chiến lược thay thế để đảm bảo cân bằng giữa hiệu quả chống dịch và phát triển kinh tế.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *